Thiền Tâm Từ chuyển hóa tự thân

Tham lam, đố kỵ, ích kỷ, sân hận là những con rắn độc, chúng tiềm ẩn bên trong mỗi chúng ta, thật khó mà đoạn diệt. Chúng gây ra khổ đau cho rất nhiều người, biết bao gia đình đổ vỡ. Bạn bè, người thân bổng chốc trở thành kẻ thù. Biết vậy nhưng không thể diệt trừ chúng, nếu chúng ta không có phương pháp.

Thật may mắn có một cách để đối trị với chúng thật hữu hiệu và dễ thực hành, đây là một trong những phương pháp thuộc thiền Tâm Từ, rất mầu nhiệm, có thể chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, làm tăng trưởng từ bi nơi mỗi hành giả. Phương pháp này sẽ giúp chúng ta đoạn trừ được sân hận, hóa giải hận thù, làm tăng trưởng tâm từ, nó giúp chúng ta đoạn trừ được những pháp bất thiện nơi chính mình, những tập khí đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta nhiều đời nhiều kiếp.

Bài thực hành dưới đây sẽ giúp bạn đoạn trừ các pháp bất thiện trong tự thân. Phương pháp này dể thực tập và thích hợp cho tất cả mọi người, nó giúp chúng ta chuyển hóa nội tâm và tập khí của mình, đưa đến một cuộc sống hạnh phúc hơn trong gia đình và xã hội, nó cũng giúp ta đi vào công phu thiền định dể dàng và vững chắc.

Bài tập Gồm 6 bước thực hành.

             Bạn sử dụng một lời nguyện để làm đề mục, lời nguyện này phải là điều mà mình mong muốn đạt được, vì chúng ta nhận ra những thói quen, tánh xấu của mình còn tồn tại, khó thay đổi, và cũng vì mong ước đoạn trừ được chúng nên ta khởi ý muốn diệt tận những pháp bất thiện còn ẩn náo trong ta.

Lợi ích của thiền tâm từ

1. Người ấy ngủ ngon giấc.
2. Người ấy thức giấc tươi tỉnh.
3. Người ấy ngủ không thấy giấc mơ xấu.
4. Người ấy được những người khác yêu mến.
5. Người ấy được các chúng sinh khác yêu mến.
6. Chư thiên (Devā) bảo vệ người ấy.
7. Lửa, chất độc, và gươm không thể hại người ấy
8. Tâm người ấy có thể tập trung rất nhanh.
9. Sắc mặt của người ấy sáng sủa.
10. Người ấy chết với tâm thanh thản.
11. Nếu người ấy không đạt đến đời sống của một vị Alahán ngay trong kiếp sống này, người ấy sẽ tái sinh vào thế giới của các vị Phạm thiên.

Lời nguyện dành chung cho mọi người

Con nguyện từ nay sẽ luôn Yêu thương Tha thứ và bao dung

Lời nguyện dành người nóng tánh

Đối với hững người thường hay nóng tánh thì nên dùng lời nguyện: “con nguyện từ nay sẽ lắng nghe bằng tâm yêu thương”. Ta cũng có thể chọn câu khác như:

  • Con nguyện từ nay chỉ nói lời yêu thương!
  • Con nguyện từ nay từ bỏ tánh đố kỵ!
  • Con nguyện từ nay từ bỏ giận hờn!
  • Mong cho con luôn được bình an, luôn tinh tấn

Chúng ta có thể nghĩ ra bất cứ lời nguyện nào mà có thể đối trị được những tập khí không tốt của mình hoặc những đức tính nào mình mong muốn có được như Từ bi và Trí tuệ. Thực tập theo các bước sau:

BƯỚC 1: TÁC Ý

Đặt hết tâm mình vào câu nguyện, với tha thiết từ nay ta sẽ không còn nóng giận nữa mà sẽ trở thành một người hiền hòa, thân ái với mọi người. Lời nguyện này sẽ giúp hành giả dần bỏ được tánh nóng nảy, tâm sân sẽ từ từ được đoạn diệt. Sân là một trong năm triền cái chướng ngại trong việc hành thiền. Tâm còn sân thì khi hành giả ngồi xuống hành thiền sẽ bị trạo cử và phóng dật, rất khó khăn để loại trừ.

Tác ý bằng lời nguyện này sẽ giúp hành giả nuôi dưỡng tâm từ bi. Không những giúp ích trong lúc hành thiền mà còn giúp hành giả trở nên một người hiền lành trong cuộc sống hàng ngày.

Lưu ý nếu phóng tâm thì hành giả nên quay lại với lời nguyện, lặp lại nhiều lần cho đến khi tâm trú vững chắc vào câu nguyện này, nên nhớ phải đặt toàn tâm mình vào lời nguyện.

BƯỚC 2: TRỤ TÂM

Thầm đọc lời nguyện chậm và rõ, ngừng một khoảng thời gian ngắn sau mỗi câu nguyện bằng cách thở 3 hoặc 5 hơi thở thật chậm rãi, lưu ý thả lõng toàn thân. Đọc chậm và rõ sẽ giúp hành giả không phóng tâm, không trạo cử, và giúp giử được đề mục lâu hơn vì khi nguyện thành tâm thì tâm của hành giả không thể đi ra ngoài lời nguyện được. Đây là cách giúp cho Tầm và Tứ vững chắc. Ngừng sau mỗi lời nguyện là cách thực tập giử tâm tĩnh lặng, hành giả dùng lời nguyện để đưa tâm an trú lại một chổ.

BƯỚC 3: NHẬN BIẾT

Nhận biết trọn lời nguyện và cả khoảng thời gian ngừng này, nhận biết toàn thân. Mục đích để đưa Cái Biết lên rõ ràng và nhạy bén.

Sau vài câu nguyện thì tác ý kéo dài khoảng thời gian ngừng này thêm. Đây là sự thực tập cho tâm tĩnh lặng sâu hơn. Khi tâm đang ở trong khoảng thời gian tĩnh lặng này thì hành giả nên có sự nhận biết, quán sát ngay phút hiện tại này, quán sát sự tĩnh lặng này, và quán sát toàn thân.

BƯỚC 4: TĨNH LẶNG

Thực tập nhiều lần như vậy cho đến khi tâm ở luôn trong khoảng tĩnh lặng này, lúc này không cần lặp lại lời nguyện nữa, vì lúc này tâm tự động sẽ không muốn làm gì cả, nếu ta cố lặp lại lời nguyện sẽ làm mệt tâm, hãy để yên như vậy và đưa sự nhận biết lên một cách rõ ràng, nhận biết sự tĩnh lặng này, lưu ý hành giả nên thả lõng toàn thân, không chú ý xung quanh. Ở giai đoạn này hành giả thường hay bị phóng tâm ra ngoài để “nhận biết” mọi tiếng động xung quanh.

Nếu có suy nghĩ nào sanh lên, hành giả nên xem xét “Tâm gì đang sanh khởi vậy?” nhận diện xem nguồn gốc của tâm đó là thiện hay bất thiện? từ đố kỵ ra, hay từ tham, sân mà ra? hay là tâm Phóng Dật?

Tác ý rằng đây là những tâm bất thiện, Rồi quay lại lắng nghe hơi thở, thở nhẹ và sâu. Nhận biết tâm và cả toàn thân.

BƯỚC 5: CHÁNH NIỆM TRÊN HỶ LẠC

Lúc này tâm hoàn toàn thanh tịnh, cảm giác toàn thân nhẹ nhàng sẽ xuất hiện, hành giả sẽ cảm thấy thích thú, lưu ý lúc này cũng phải có sự nhận biết cái “cảm giác thích thú” này và luôn phải giử tâm xã, không bám vào hỷ lạc. “thích" tức là đã dính mắc rồi đó.

Đa phần ở giai đoạn này tâm hành giả sẽ rơi ra và sẽ phóng tâm, đã sanh tâm phán đoán, phân biệt “đây là gì? ta sẽ kể lại cho bạn nghe, thầy nghe…” Hoặc hành giả sẽ rơi vào hôn trầm vì cảm giác lâng lâng rồi đi vào vô ký. Đến khi nghe chuông xả thiền thì lúc đó mới tĩnh lại, “không biết nãy giờ mình đang ở đâu, sao thời gian nhanh quá!!...” và sau đó thì có cảm giác cũng khá thoải mái, từ đó rất thích ngồi thiền. Tuy nhiên như vậy gọi là lạc thiền, loại thiền này không phải loại thiền mà đức Phật muốn ta thực tập.

Để tránh phạm sai lầm, ta nên để tâm làm việc bằng cách quán sát xem tâm bất thiện đang ở đâu? nó có tồn tại không? nếu có thích thú tức là có tâm tham ái, đây là tâm bất thiện, mơ màng là hôn trầm, đây cũng là bất thiện.

BƯỚC 6: TUỆ SANH DIỆT

Khi có những trạng thái thoải mái xuất hiện, hành giả nên nhận biết đây chỉ là một loại cảm thọ lạc, lạc này là không thật, nó có rồi sẽ mất. Nhận biết cảm giác thoải mái của thân và tâm này là không thật, không có gì đáng để phải bám vào, nó sinh và rồi sẽ diệt thôi. Đưa sự quan sát vào hơi thở để nhận ra sự sinh diệt của hơi thở, để nhận ra tính vô thường của vạn vật. Đây là trí tuệ, sự hiểu biết về sanh diệt bằng sách vở sẽ khác hẳn với cái biết này, gọi là liểu tri, một sự nhận biết bằng kinh nghiệm của chính mình chứ không phải bằng trí óc.

LƯU Ý: Bất cứ ở giai đoạn nào mà hành giả bị phóng tâm thì cứ quay lại với câu nguyện, lắng nghe hơi thở, thở nhẹ và sâu, nên giử tâm trạng bình thường, không trách móc tâm, cũng không vội vã, bởi trách móc chính mình là tâm sân, mà sân sanh khởi thì trạo cử sanh thì thời thiền sẽ thất bại.

Bài sau chúng ta sẽ nói về những chướng ngại.

---- CT ----